Tạ Ngọc Phương
20 thg 3, 2023
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) hay còn gọi là rối loạn căng thẳng sau chấn thương, là một tình trạng sức khỏe tâm thần xảy ra sau khi chứng kiến hoặc trải qua một sự kiện đáng sợ. Rối loạn stress sau sang chấn là loại rối loạn tâm lý r ất thường gặp.
1. Nguyên nhân gây rối loạn stress sau sang chấn
Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra rối loạn stress sau sang chấn, nhưng các nhà trị liệu tin rằng tác nhân chính có thể là do ảnh hưởng của sang chấn đáng sợ mà chính bản thân người bệnh chứng kiến hoặc trải qua.
1.1. Yếu tố stress
Theo định nghĩa, một tác nhân gây stress là yếu tố gây bệnh chính trong sự phát triển của PTSD; tuy nhiên, không phải ai khi trải qua stress cũng phát triển các rối loạn. Các chấn thương tâm lý một mình chúng không đủ để gây ra rối loạn. Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần cũng phải xem xét các yếu tố sinh học và các sự kiện đã xảy ra trước và sau khi bị chấn thương tâm lý. Ý nghĩa chủ quan của stress với một người cũng rất quan trọng.
1.2. Yếu tố nguy cơ
Bác sĩ tâm thần cho biết, ngay cả khi phải đối mặt với chấn thương tâm lý mạnh, hầu hết mọi người không có triệu chứng PTSD. Khoảng 60% nam giới và 50% nữ giới có một số sự kiện chấn thương tâm lý trong cuộc đời, tuy nhiên, tỷ lệ của stress sau sang sang chấn trong suốt cuộc đời chỉ khoảng 8%.
1.3. Hệ thống giao cảm
Khi có stress cấp, cơ thể con người có sự tăng bài tiết các hormon khác nhau dẫn đến sự đáp ứng của các cơ quan trong cơ thể. Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, khi rối loạn stress sau sang chấn phát triển dưới sự tác động mạnh mẽ và lặp đi lặp lại của stress, cơ thể bị mất điều hoà, các rối loạn thần kinh thực vật (như huyết áp dao động, mạch nhanh, nhịp thở nhanh,...) trở thành mãn tính.
1.4. Hệ thống serotonin
Các bác sĩ tâm thần cho biết, serotonin đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh của bệnh rối loạn stress sau sang chấn. Khi bị PTSD, nồng độ serotonin trong một số vùng của não bệnh nhân giảm thấp. Nồng độ serotonin trong huyết thanh của bệnh nhân PTSD cũng giảm thấp. Vì thế, hệ thống serotonin bị mất điều hoà.
1.5. Nghiên cứu hình ảnh
Một số nghiên cứu hình ảnh não của bệnh nhân PTSD về cấu trúc và chức năng cho thấy bệnh nhân có giảm hoạt động ở vùng limbic và vỏ não. Các vùng não bị mất chức năng bao gồm vùng trí nhớ, cảm xúc, vùng thị giác...
2. Điều trị rối loạn stress sau sang chấn
Theo các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý, mục tiêu của điều trị rối loạn stress sau sang chấn là giảm các triệu chứng cảm xúc và thể chất, cải thiện chức năng hàng ngày và giúp người bệnh đối phó tốt hơn với các sự kiện gây ra rối loạn. Điều trị rối loạn stress sau sang chấn có thể bao gồm liệu pháp tâm lý, thuốc hoặc cả hai.
2.1. Điều trị bằng thuốc
Các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần sử dụng một số loại thuốc chống trầm cảm để điều trị rối loạn stress sau sang chấn và để kiểm soát cảm giác lo lắng, các triệu chứng liên quan của PTSD bao gồm các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRI), thuốc chống trầm cảm 3 vòng và thuốc ức chế adrenergic.
2.2. Liệu pháp tâm lý
Các kỹ thuật khác nhau của liệu pháp nhận thức và hành vi đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh rối loạn stress sau sang chấn. Các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý khuyến cáo, người bị chấn thương tâm lý thường phát triển ám ảnh sợ và lo âu liên quan đến tình huống gợi lại chấn thương tâm lý. Khi có lo âu, ám ảnh hoặc xa lánh phối hợp với PTSD, mức độ bộc lộ cảm xúc là rất mạnh mẽ.
Kỹ thuật này áp dụng cho bệnh nhân có lo âu, ám ảnh bền vững, hoặc lo âu, ám ảnh tăng lên khi có kích thích, nhằm tạo thói quen cho bệnh nhân, giảm tác động của các kích thích. Các kỹ thuật được áp dụng bao gồm: kỹ thuật tưởng tượng và tiếp xúc với các tình huống có trong thực tế cuộc sống. Dần dần bệnh nhân sẽ có sự dung nạp với các kích thích gây lo âu.
Kỹ thuật thư giãn cũng có hiệu quả làm giảm các căng thẳng vận động ở bệnh nhân PTSD. Kỹ thuật này là sự luyện tập co và giãn các nhóm cơ khác nhau để tạo ra một đáp ứng thư giãn. Đáp ứng thư giãn rất có ích đối với các triệu chứng thần kinh thực vật cũng như các triệu chứng cơ thể, lo âu và mất ngủ.
Kỹ thuật nhận thức và dừng suy nghĩ đi đôi với tưởng tượng về chấn thương tâm lý dùng điều trị các hoạt động tâm thần không mong muốn trong PTSD.
3. Tiến triển và tiên lượng
Theo nghiên cứu của các bác sĩ tâm thần, rối loạn stress sau sang chấn có thể kéo dài từ vài tháng đến hơn 30 năm. Nếu không điều trị, 30% số bệnh nhân khỏi hoàn toàn, 40% có các triệu chứng mức độ nhẹ và 20% có các triệu chứng mức độ vừa, 10% có các triệu chứng mức độ nặng. Sau 1 năm, tỷ lệ tự khỏi khoảng 50%.
Tiên lượng tốt khi bệnh khởi phát nhanh chóng các triệu chứng, thời gian các triệu chứng ngắn (dưới 6 tháng), chức năng trước khi bị bệnh tốt, hỗ trợ xã hội mạnh mẽ và không có các rối loạn tâm thần, bệnh cơ thể, lạm dụng chất hoặc các yếu tố nguy cơ khác. Trẻ em và người già có khó khăn hơn khi đối phó với sự kiện chấn thương so với người ở độ tuổi trung niên.
Các bác sĩ tâm thần khuyến cáo, rối loạn stress sau sang chấn nếu có kèm theo với các rối loạn khác thì thường nặng hơn, mãn tính hơn và có thể khó điều trị hơn. Sự sẵn sàng giúp đỡ của xã hội có ảnh hưởng đến sự phát triển, mức độ nghiêm trọng và thời gian của PTSD. Những bệnh nhân có sự hỗ trợ xã hội tốt sẽ ít có những rối loạn nghiêm trọng và có nhiều khả năng phục hồi nhanh hơn.
(Nguồn: Safe & Sound)